Hotline: 0906032368

KHÁCH SẠN THẢO ANH

Vị trí trung tâm thành phố Hải Dương

KHÁCH SẠN THẢO ANH
Ngày nhận phòng Ngày trả phòng Loại phòng Số phòng
Hỗ Trợ Trực Tuyến
 

Lễ hội chùa Muống

Lễ hội chùa Muống

Chùa có tên tự là Quang Khánh tự, di tích đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước, hiện nay là trung tâm tôn giáo lớn của huyện Kim Thành.

Lễ hội chùa Muống

Chùa có tên tự là Quang Khánh tự, di tích đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước, hiện nay là trung tâm tôn giáo lớn của huyện Kim Thành.

Chùa Muống xã Ngũ phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương là di tích Lịch sử- văn hoá đã được Nhà nước xếp hạng theo Quyết định số 97/QĐ ngày 21 tháng 1 năm 1992. Chùa có tên tự là Quang Khánh tự, di tích đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước, hiện nay là trung tâm tôn giáo lớn của huyện Kim Thành. Lễ hội chùa Muống gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của nhà sư Tuệ Nhẫn - có công chữa khỏi mắt cho vua Trần Minh Tông và là môn đệ trung thành của vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam- vua Trần Nhân Tông.

Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, xã Dưỡng Mông, Bằng Lai thuộc tổng Phù Tải, xã Quảng Đạt thuộc tổng Cam Lâm; hai tổng Phù Tải, Cam Lâm đều thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 các xã Dưỡng Mông, Bằng Lai, Quảng Đạt đều trở thành thôn và sáp nhập thành một xã, lấy tên là xã Ngũ Phúc. Năm 1999 xã có 5 thôn: Bằng Lai, Dưỡng Mông, Quan Cao, Quảng Đạt và phố huyện. Lịch sử hình thành từng thôn có thể tóm tắt như sau:

Vào thế kỷ 13, vùng đất thôn Bằng Lai do một viên quan trong triều Trần là Nguyễn Đình Đắc, đi kinh lý vùng biển phía đông, khi đi qua vùng đất này thấy ruộng đất phì nhiêu, khí hậu trong lành mà không có dân ở. Ông đưa hai người con trai, một số người dân tại quê về đây sinh sống và dần trở thành làng mạc. Suốt thời Lê, sang thời Nguyễn cư dân ngày một đông đúc, trở thành một đơn vị hành chính lớn trong tổng, huyện, phủ. Đến nay, Bằng Lai là một thôn lớn của xã.

Vào năm 1245 - thời Trần, vùng đất Dưỡng Mông ngày nay là nơi hoang vu lau sậy, đặc biệt là rau muống mọc khắp nơi. Gia phả các dòng họ ở đây cho biết: họ Vương đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp từ rất sớm, sau đó đến họ Nguyễn, họ Phùng. Thuỷ tổ họ Vương là cụ Vương Thiên Huệ khai khẩn đất này từ thời Trần, thuỷ tổ họ Đặng là cụ Đặng Đình Dư, thuỷ tổ họ Nguyễn là cụ Nguyễn Công Thể, thuỷ tổ của họ Phùng là cụ Phùng Xuân Thảo và thuỷ tổ của họ Phạm là cụ Phạm Đình Tuấn. Dưỡng Mông là một thôn có địa danh và dân số lớn nhất của xã Ngũ Phúc.

Vào năm Mậu Dần (1458), thôn Quảng Đạt cũng là vùng đất hoang vu, cây cối rậm rạp. Lúc đó, có ông Trần Văn Bảng, là người nơi khác đến vùng đất này khai khẩn đất đai và lập nghiệp. Ông cùng 7 người con, trong đó có 6 trai, 1 gái và 2 người em họ là Phạm Văn Hiền và Phạm Văn Tiền cùng các cháu đến đây sinh sống.

Đã qua mấy mùa sinh cơ, lập nghiệp, họ Trần và họ Phạm không biết gọi tên vùng đất này là gì? Ông Trần Văn Bảng đặt tên là "Cõi Đông" hai anh em họ Phạm đặt là "Gò Đạt Tụ", đến năm Canh Dần (1740), hai ông bàn với nhau lấy tên là Quảng Đạt, và tên đó tồn tại đến ngày nay. Do vị trí ba mặt giáp sông Văn Úc, đất đai phì nhiêu, nên sau họ Trần, họ Phạm, các họ Nguyễn, Lê, Vũ, Hoàng, Bùi cũng dần dần quy tụ tại đây. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, Quảng Đạt là một xã thuộc tổng Cam Lâm, huyện Kim Thành.

Thôn Quan Cao vốn trước đây là vùng đất của xã Quảng Đạt, vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840), có dòng họ Lê theo đạo Thiên Chúa, quê ở Thái Bình, làm nghề đánh cá trên sông Văn úc, xin ở nhờ trên một mảnh đất của xã Quảng Đạt (có thể do chính sách sát đạo của nhà Nguyễn), nhưng dần dần họ Lê cũng phát triển trên đất Quảng Đạt. Lúc đó cụ Lê Văn Điềm, đề nghị với quan huyện cho lập làng, lấy tên là làng Quan Cao, thôn Quan Cao là thôn công giáo toàn tòng và tồn tại đến ngày nay.

Phố huyện: Trước đây phố huyện thuộc đất Bằng Lai, năm 1843 là huyện lỵ của huyện Kim Thành (huyện lỵ của huyện Kim Thành trước đó nằm trên đất Hoàng Xá, xã Liên Hoà, nhưng do nhiều cướp, dân huyện ly tán chạy vào đất Bằng Lai, từ đó huyện lỵ cũng chuyển theo). Năm 1946, Pháp đóng đồn bốt ở phố huyện, lập vành đai trắng phá nhiều nhà cửa, dân chạy về Hải Dương, Hải Phòng, một số theo cách mạng. Vì vậy, dân ở phố huyện còn rất ít, nhưng dần dần cũng đông lên, do dân cư từ nơi khác đến.

Năm 2005, ba thôn: Bằng Lai, Dưỡng Mông, Quảng Đạt là 3 đơn vị hành chính của xã Ngũ Phúc. Trong 3 đơn vị đó, thôn Dưỡng Mông có lịch sử phát triển lâu đời, là thôn có lễ hội lớn và độc đáo nhất của huyện Kim Thành.

Căn cứ vào dấu tích hiện còn, những di tích lịch sử- văn hoá thì vùng đất này vốn là vùng đất phù sa cổ, do dòng sông Văn úc bồi đắp từ hàng nghìn năm trước. Tương truyền, vào thời Lý Công Uẩn đã có nhiều dòng họ đến đây khai khẩn, đất đai lúc đầu chua phèn, chưa thuần thục. Rau muống là thức ăn chính, cây lương thực khó trồng, cây rau muống được mọi người chú trọng, cái tên Dưỡng Mông (tức "nuôi muống") cũng được bắt nguồn từ đó. Thời gian trôi đi, số người đến đây lập nghiệp ngày một nhiều thêm, những cánh đồng hoang dần được đẩy lùi, ruộng đất chua phèn dần được cải tạo. Hiện nay, tại thôn Dưỡng Mông còn khá nhiều địa danh gắn với sự tích khai phá đất hoang như đồng Công đầu cầu, Đống Rúi, Đống Ông, Rộc Cò, Rộc Ma, Rộc Mét, Rộc Sâu, Rộc Ghếch, Rộc Súng, Đầm Đông, Đầm Am...

Cùng với việc khai hoang lập ấp, bao thế hệ người làng Muống (tên gọi nôm của làng Dưỡng Mông) đã xây dựng nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng mang đậm tính bản địa. Mặc dù trải bao biến cố của lịch sử, làng Muống vẫn còn một số di tích như miếu Mã Bến, miếu Thiên Lâu, đình thờ Thành hoàng làng và đặc biệt là chùa Quang Khánh. Trong hệ thống di tích còn tồn tại ở đây thì miếu Mã Bến, miếu Thiên Lâu và đình Dưỡng Mông là những di tích cùng thờ hai vị thành hoàng làng, từng có công đánh giặc dưới triều Lý và triều Trần. Lịch sử ở địa phương ghi lại rằng:

Vào thời Lý, có một người làng Muống tên là Phạm Công, huý Lỗ, thời trai trẻ học rất giỏi, lại có khí phách phi thường, được vua Lý trọng dụng cho đi đánh giặc giúp nước. Do có công lao to lớn, ông được bổ nhiệm làm quan trong triều. Khi tuổi đã già, ông về nghỉ tại quê. Là vị quan thanh liêm, chính trực, nên ông vẫn được các quan kế nhiệm đến thăm. Lúc bấy giờ ở gần nhà ông có một bến nhỏ, các quan thường dừng lại tắm ngựa. Sau khi ông mất, nhân dân lập miếu thờ ông gần bến và được gọi là miếu Mã Bến (Bến tắm ngựa).

Vào thời Trần, làng Muống có Nguyễn Công, huý Đại có công giúp vua Trần đánh giặc ở thế kỷ 13. Sau khi mất ông được nhân dân tôn làm thành hoàng làng và lập miếu thờ, miếu có tên là Thiên Lâu. Hiện nay trong miếu có đôi câu đối nói đến công lao của vị thành hoàng này:

"Địa chỉ Đông A kim cổ tích,

Thiên Lâu miếu vũ nhật nguyệt trường".

Ngoài 2 ngôi miếu trên, làng Muống còn có ngôi đình chung thờ các vị thành hoàng làng đã từng tồn tại suốt thời Lê và thời Nguyễn, di tích đã bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp, nay nhân dân mới khôi phục lại.

Chùa Muống có tên tự là Quang Khánh, được xây dựng vào năm nào? ai là người khởi công xây dựng? đến nay vẫn chưa xác định được, nhưng đến thời Trần, chùa có quy mô lớn, di tích tồn tại vào thời Lê và thời Nguyễn. Trải qua chiến tranh tàn phá, chùa còn hệ thống tháp thời Lê và thời Nguyễn khá đồ sộ, di tích đang được khôi phục với quy mô lớn, từng bước trả lại dáng vẻ ban đầu của di tích.

Chùa Quang Khánh là nơi thờ phật theo thiền phái Trúc Lâm, đồng thời là nơi thờ nhà sư Tuệ Nhẫn, là môn đệ trung thành của thiền phái Trúc Lâm, do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Đồng thời, nhà sư còn có công truyền giáo lý và xây dựng 72 ngôi chùa lớn nhỏ. Đối với nhân dân làng Muống, nhà sư không chỉ là người có công xây dựng chùa, mà ông còn là người đầu tiên khai khẩn đất đai, lập nên làng Muống ngày nay, vì vậy ông lại là một vị thành hoàng được nhân dân địa phương thờ phụng.

Lễ hội chùa Muống được bắt nguồn từ việc kỷ niệm ngày mất của nhà sư Tuệ Nhẫn, ông là người tu hành có công chữa khỏi mắt cho vua Trần Minh Tông và là môn đệ trung thành xây dựng nên thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Theo sách "Đại Nam nhất thống chí"NXB KHXH, HN năm 1971; tr 411- 412 viết: "Chùa Quang Khánh ở xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành, sư ông Mộng trụ trì ở đây, tu luyện đắc đạo, phép thuật tinh thông. Vua Trần Minh Tông đau mắt, các thầy thuốc điều trị không khỏi, đêm mộng thấy một thầy thuốc tự xưng là ông Mộng, khi tỉnh dậy, không cần thuốc thang mà mắt tự khỏi, bèn lấy tên người trong mộng hỏi khắp châu huyện, khi đến chùa này mới thấy, nhà vua sắc phong là Từ Giác Quốc Sư, lại phát tiền kho tu bổ chùa quán, cho tên là chùa Quang Khánh, Lê Thánh Tông có đề thơ khắc vào đá nay vẫn còn”(1)

Theo tấm bia “Quang Khánh tự bi minh tự”, do tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) Phạm Cảnh Chiêu soạn, khắc dựng vào năm Hồng Thuận thất niên (1515), thì Tuệ Nhẫn Quốc Sư là người từng trụ trì chùa Dưỡng Mông thời Trần, sư họ Vương, hiệu là Quán Viên, quê ở xã Dưỡng Mông, thuở nhỏ bố mất sớm, mẹ ở vậy nuôi con. Từ năm 10 tuổi, sư khắc khổ chuyên cần học, 19 tuổi đọc rộng các sách, rồi chán cảnh trần tục, yết kiến Kiêm Tuệ đại sư chùa Báo Ân đi tu, Sau thụ trụ, túc giới hai sư Nghĩa Trụ và Chân Giám, giới hạnh, tài biện hơn người. Sư được vua Trần và triều đình rất kính trọng, vua Anh Tông ban cho pháp hiệu là Tuệ Nhẫn Quốc Sư. Năm Ất Sửu (1325) sư viên tịch. Như vậy, Tuệ Nhẫn với sư ông Mộng trong Đại Nam Nhất Thống chí chỉ là một. Tuệ Nhẫn là một nhà sư nổi tiếng nhà Trần, cùng thế hệ với Pháp Loa, Huyền Quang thuộc thiền phái Trúc Lâm, do vua Trần Nhân Tông sáng lập .

Theo tài liệu điền dã tại làng Muống cho biết Tuệ Nhẫn Quốc Sư còn được nhân dân kính trọng gọi là Thánh tổ Non Đông (Thánh tổ Đông sơn), tên thật là Vương Thiên Huệ là thuỷ tổ họ Vương, đồng thời là người có công khai khẩn vùng đất Dưỡng Mông thời Trần. Cha của Vương Thiên Huệ là cụ Vương Quý Lan và mẹ là người họ Hoàng. Lúc còn nhỏ, cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi con, nhưng vì nghèo, nên phải gửi cho người cậu ruột nuôi hộ. Tương truyền: Vương Thiên Huệ còn nhỏ không được đi học, cậu mợ giao cho chăn bò, bắt cáy, vì vậy nay vẫn có câu ca:

“Con cậu, cậu cho học nho,

Cháu cậu, cậu bắt chăn bò, chăn trâu,

Hai sương một nắng dãi dầu,

ở ăn chẳng được, cháu hầu tha phương”.

Trong hoàn cảnh vắng mẹ, lại ở với cậu mợ, không được đi học, lại bị cậu mợ mắng nhiếc, Vương Thiên Huệ dời nhà đi tìm mẹ, trên đường đi gặp một gia đình bán mía, liền xin nước uống và nghỉ chân. Sau khi dò hỏi chủ nhà biết cậu bé đi tìm mẹ mà không thấy, chủ nhà ngỏ lời đề nghị ở lại giúp việc. Hàng ngày chuyên lo dọn mía, rửa mía. Bỗng có một hôm ông thấy một cây mía có 72 gióng, thấy đó là điều lạ, ông đem dấu kín, buổi tối hôm đó ông xin nghỉ việc và không cần chủ nhà trả công, chỉ xin một cây mía. Chủ nhà vui vẻ cho ngay, và Vương Thiên Huệ lại lên đường về Kinh Bắc. Trên đường đi Kinh Bắc, ông vào chùa Nghĩa Trụ, yết kiến Hoàng Kiên đại sư (Kiên Tuệ đại sư) được thu nhận. Từ đó, ông trau dồi Phật pháp, đến năm 30 tuổi ông đã đắc đạo. Sau đó ông xin rời khỏi chùa để tuyên truyền Phật pháp, Phật pháp của ông chính là giáo lý của thiền phái Trúc Lâm. Nơi đến đầu tiên là Mạo Khê (Quảng Ninh), nơi đây được gọi là Non Đông gần Yên Tử, là trung tâm của thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Ông quyết định trụ trì tại đó và ra công tu tạo 72 ngôi chùa lớn nhỏ. Riêng huyện Kim Thành, quê hương ông, ông xây dựng 4 ngôi chùa lớn: chùa Phí Gia (xã Đồng Gia), còn gọi là chùa Bùi; chùa Lành, chùa Gạo (xã Kim Tân); chùa Linh Quang (xã Kim Lương). Cho đến nay, trong dân gian vẫn lưu truyền một số câu ca phản ánh thời kỳ hưng thịnh của các ngôi chùa ở vùng này: "Lên chùa Muống, xuống chùa Bùi, lui chùa Gạo, dạo Hải Ninh (nơi có chùa Lành)"; hay :"Nhịp chùa Lành, canh chùa Muống" (nghĩa là nhịp chuông, mõ chùa Lành và đọc canh ở chùa Muống khó có nơi nào sánh kịp).

Ngoài các ngôi chùa ở Mạo Khê, ở quê hương, ông còn xây dựng nhiều ngôi chùa khác như chùa Vĩnh Nghiêm (Chí Linh), chùa Siêu Loại (Bắc Ninh), chùa Đông Khê huyện An Hải (Hải Phòng), chùa Do Nha huyện An Dương (Hải Phòng)... Trong số 72 ngôi chùa mà ông gia công tu tạo, chùa Muống vẫn là nơi gắn bó với cả cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Vào thời Trần chùa đã được tu tạo nhiều lần, có lần vua sai Nguyễn Công Củng là quan trong triều về chỉ đạo thi công, hoàng hậu Nguyễn Thị Lương cấp tiền, bạc. Chùa có quy mô tới 120 gian lớn nhỏ, xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc" trên khuôn viên rộng 15.000m2, bao gồm tam quan, tiền đường, thượng điện, nhà tổ, nhà tăng, hành lang, gác chuông, gác khánh...Chùa có 32 tháp sư và hàng trăm pho tượng lớn nhỏ.

Trải qua thời gian, chùa Muống có khá nhiều nhà sư nổi tiếng trụ trì như sư Như Nhàn, quê ở Kim Lũy (Đông Triều), có cha là người họ Phạm, mẹ là người họ Lê, sinh vào năm Thuận Đức tam niên (1655). Năm 24 tuổi đi tu tại Yên Tử, cầu đạo với Chân Hiền thiền sư, sau khi đắc pháp, chu du nhiều nơi, rồi trụ trì tại chùa Tư Phúc ở Côn Sơn, sau đó về chùa Quang Khánh. Năm Tân Sửu (1721) Uy tổ Nhân Vương (Trịnh Cương) mời về kinh, cầu đảo ở tháp Báo Thiên, được chúa ban thưởng Tử y Kim Lũ cà sa, phong chức tăng phó. Năm 1724 sư viên tịch. Do loạn ly và đói kém, đến năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767), môn nhân, phật tử mới xây được tháp, nay tháp vẫn còn.

Đương thời, chùa Muống là một ngôi chùa đẹp nổi tiếng, có nhiều nhà thơ đã xúc cảm làm thơ ca ngợi, đáng chú ý nhất là 2 bài thơ của Lê Thánh Tông khắc trên bia hiện nay còn lưu giữ tại chùa. Bài thứ nhất khắc vào năm Quang Thuận thứ 6 (1465), đây là bài thơ chữ Hán thất ngôn bát cú ca ngợi cảnh đẹp của chùa. Bài thứ hai khắc vào năm Bính Ngọ (1486), đây là một bài thơ nôm với những lời thơ thật xúc cảm:

"Dắng dõi chào ai tiếng phép chung,

Ngang đây thoắt lộ trạnh bên lòng,

Trừng thanh leo lẻo trần hiệu cách,

Gác thẳm làu làu ngọc giá đông.

Sực nức đưa hoa hương mượn gió,

Lúi lô chào khách vẹt thay đồng.

Nhủ đoàn tự đắc ngao du đấy,

Cho biết cơ mẫu vẫn chẳng dong”.

Lễ hội chùa Muống được bắt nguồn từ việc kỷ niệm ngày mất của sư tổ Tuệ Nhẫn (tức Vương Thiên Huệ - sư ông Mộng) đã tồn tại nhiều thế kỷ và nay vẫn duy trì và phát triển. Khác với những ngôi chùa khác trong vùng, lễ hội ở đây không chỉ đơn thuần là lễ hội kỷ niệm ngày mất của nhà sư Tuệ Nhẫn, mà lễ hội được gắn kết giữa hai yếu tố "Thần và Phật", vì đối với phật tử gần xa - ông là một nhà sư, là sư tổ cao tăng rất đáng kính trọng, nhưng đối với quê hương, ông lại là một vị thành hoàng làng có công khai khẩn đất đai, lập nên xóm ấp. Do đó lễ hội ở đây là một lễ hội đặc biệt, thời gian kéo dài 4 ngày từ ngày 24 đến ngày 27 tháng giêng hàng năm.

Lễ hội chùa Muống được tổ chức bắt đầu từ ngày 24 , nhưng thực chất đã được chuẩn bị từ trước đó khá lâu. Trong ngày 24 quan trọng nhất là lễ "nhập tịch", mục đích của lễ này là làm lễ yết kiến với Thánh tổ xin phép để dân làng được mở lễ hội. Các lễ vật chỉ là lễ chay gồm hương hoa, nải quả, bánh dầy, bánh nếp... Các sư thay nhau tụng kinh niệm Phật suốt ngày đêm, không khí lễ hội khá sôi nổi.

Ngày 25 có nghi lễ rước bánh dầy: Theo tập tục của người dân nơi đây là dùng những sản vật do chính họ làm ra trên mảnh đất này, để dâng lên Thánh tổ, sản vật của họ là những hạt gạo nếp thơm ngon tròn trịa, đồ thành sôi, thơm nức, giã mịn tạo thành những chiếc bánh to nhỏ đủ cỡ đặt lên mâm, có những chiếc bánh dầy lớn đặt trên mâm gỗ, đây là tín ngưỡng phồn thực của cư dân trồng lúa nước thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Những chiếc bánh dầy đưa lên kiệu, rước quanh chùa, trong tiếng nhạc âm vang và dòng người trang nghiêm, kính cẩn đi theo các kiệu sơn son thếp vàng. Sau đó, những chiếc bánh dầy được đưa vào tiền đường, tam bảo, nhà tổ để làm lễ. Tại đây các sư trụ trì và phật tử đọc nhiều bài kinh ca ngợi công lao của đức Phật và mong muốn có mùa màng bội thu.

Ngoài nghi thức rước bánh dầy, ngày 25 còn có lễ "Tập ngơi", thực chất lễ này là tập dượt để chuẩn bị cho ngày đại lễ. Trong ngày này, có tổ chức rước kiệu thử và chuẩn bị chu đáo các dụng cụ rước.

Ngày 26 là ngày chính hội, từ sáng sớm nhân dân địa phương và các Phật tử gần xa đã tấp nập tập kết ở chùa, xếp thành đội ngũ để chuẩn bị rước. Cũng giống như các lễ hội ở đình làng, các dụng cụ như kiệu bát cống, bát bửu, long đình, tàn, tán, lọng... được chuẩn bị kỹ càng và là dụng cụ rước truyền thống ở đây. Đây là một điểm khác biệt của chùa Muống so với các ngôi chùa khác. Đi đầu đoàn rước là phường bát âm, rồi đến bát bửu, đến tàn lọng, kiệu hoa lễ, kiệu bát cống rước tượng Thánh tổ Từ Giác Quốc Sư, sau cùng các Phật tử và nhân dân. Trước đây, có 3 kiệu bát cống trên có tượng Thánh Phụ, Thánh Mẫu và tượng Từ Giác Quốc Sư, 3 pho tượng này thường được rước đến tam quan chùa để làm lễ, sau đó lại rước về an vị trong điện tổ. Lễ rước kiệu ở di tích giống như lễ rước kiệu ở các đình đền Việt Nam.

Buổi tối ngày 26 có lễ "Mộc dục" (Lễ tắm tượng): sau khi đọc kinh, các sư cùng các Phật tử tiến hành nghi lễ tắm tượng. Tất cả các pho tượng đều được tắm rửa bằng nước sạch, có pha nước ngũ vị thơm lừng, nghi lễ này chỉ diễn ra một lần trong năm và vào đúng tối 26 tháng giêng.

Ngày 27 phật tử các nơi tiếp tục đến lễ và buổi tối có đọc kinh và kết thúc lễ hội.

Do thân thế của vị sư tổ nổi tiếng, lại được tổ chức vào đầu xuân, chùa Muống là ngôi chùa lớn, nên lễ hội ở đây là lễ hội lớn nhất trong vùng. Khách đến dự lễ hội đủ mọi lứa tuổi, trang phục phù hợp. Đặc biệt khách đến dự lễ được các phật tử trong làng đón tiếp chu đáo, thân mật. Tục mời trầu khá đặc biệt: trước cổng chùa là các cụ bà mặc áo dài thâm, nét mặt phúc hậu, tươi vui đón khách và mời trầu với cử chỉ thân thiện như những người khách đã quen biết từ lâu, đây là cử chỉ hiếu khách đã từng tồn tại từ bao đời nay của lễ hội này. Khách đến dự lễ không chỉ là khách trong vùng mà còn có rất đông khách ở các tỉnh thuộc đồng bằng và trung du Bắc bộ.

Cùng với dòng người đổ về với lễ hội, là hàng hoá muôn sắc màu tràn ngập khắp mọi nơi, đó là các sản phẩm nông nghiệp, tò he, quần áo dành cho các phật tử, nón, mũ và các hàng hoá thiết yếu khác.

Phần hội được tổ chức khá sôi nổi, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như đấu vật, chọi gà, đánh cờ người, bịt mắt bắt dê... từ năm 2009, tại đây đã xuất hiện những trò chơi mới như: đu quay truyền thống, xiếc người bay, mô tô bay, tàu hoả đi trên đường ray...

Là một ngôi chùa lớn, lại có nhiều vị cao tăng trụ trì, đồng thời lại thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm, vì thế lễ hội tại di tích có quy mô khá lớn và có mối liên hệ chặt chẽ với các ngôi chùa thuộc thiền phái này. Nhìn chung các ngôi chùa theo thiền phái Trúc Lâm ở Hải Dương đều có quy mô lớn như chùa Bạch Hào (Bạch Hào tự) xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà; chùa Cả (Đại từ Khâm Thiên tự) xã Tân An, huyện Thanh Hà; chùa Minh Khánh thị trấn Thanh Hà; chùa Hun (Thiên tư phúc tự) tức chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh, ở tỉnh Quảng Ninh có lễ hội chùa Yên Tử...

Chùa Muống đã trải qua 7 thế kỷ tồn tại, ngôi chùa này đã ghi vào lịch sử của chế độ phong kiến Việt Nam. Hiện nay, chùa còn 32 ngôi tháp lớn nhỏ, chủ yếu là tháp đá thời Lê và thời Nguyễn. Với số lượng đó chưa có ngôi chùa nào ở Hải Dương sánh kịp. Trải bao thăng trầm của lịch sử, hầu hết các công trình của chùa đã bị phá huỷ trong kháng chiến. Hoà bình lập lại, nhất là từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20 cho đến nay, chùa Muống như được hồi sinh. Nhiều công trình được khôi phục như nhà tổ, tăng phòng, chùa chính và nhiều hạng mục khác dần dần được khôi phục. Lễ hội truyền thống cũng từ đó mà được phục hồi, phát triển và là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Hải Dương. Trong những năm tới, địa phương đã có phương án tổ chức lễ hội có quy mô lớn, khôi phục những nét đẹp truyền thống, nhằm gìn giữ văn hoá phi vật thể đã từng tồn tại trong lịch sử, từng bước bảo vệ và phát triển nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc mà Đảng ta đã đề ra.

Tour khác