Hotline: 0906032368

KHÁCH SẠN THẢO ANH

Vị trí trung tâm thành phố Hải Dương

KHÁCH SẠN THẢO ANH
Ngày nhận phòng Ngày trả phòng Loại phòng Số phòng
Hỗ Trợ Trực Tuyến
 

Lễ hội đền An Liệt

 Lễ hội đền An Liệt

Qua nghiên cứu, khảo sát các mặt lịch sử, kiến trúc và nhân vật được thờ thì thấy đền An Liệt thực sự là một di tích lịch sử và lễ hội đền An Liệt là di sản văn hoá có giá trị.

Lễ hội đền An Liệt

Qua nghiên cứu, khảo sát các mặt lịch sử, kiến trúc và nhân vật được thờ thì thấy đền An Liệt thực sự là một di tích lịch sử và lễ hội đền An Liệt là di sản văn hoá có giá trị.

 

 

I. KHÁI QUÁT DI TÍCH

Xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có ba thôn là An Liệt, Tiền Vĩ, Thừa Liệt. Thờ năm vị thành hoàng, gọi là Ngũ vị Đại vương, trước đây được thờ ở Miếu Cả thuộc thôn Tiền Vĩ, tương truyền được xây dựng từ thời hậu Lê, nay di tích còn một chuôi vồ nhỏ. Ngay từ thời ấy, nhân dân thôn An Liệt muốn thờ các vị thành hoàng ngay tại thôn mình nên mới xây đền An Liệt. Đền An Liệt ngày nay qua nhiều lần trùng tu mang kiến trúc thời Nguyễn.

Đền An Liệt nằm ở vị trí trung tâm của thôn. Đền quay hướng nam, qua một con đường làng, đền trông ra một hồ nước rộng, ở giữa nổi lên một gò đất, thế “Quần long hội thuỷ”. Ngày trước ở phía đông ngôi đền còn có đình An Liệt và chùa Minh Khánh, nay không tồn tại, chỉ còn một khoảng đất rất rộng, tiếp giáp với nhà văn hoá của thôn, tạo thành một quảng trường rộng, hết sức thuận tiện cho việc tổ chức lễ hội và mọi sinh hoạt văn hoá cộng đồng.

Đền có diện tích tổng thể là 1.399m2, bao gồm cả các công trình phụ, sân, vườn, ao...Riêng diện tích trong đền bao gồm tiền tế, trung từ, hậu cung rộng 116m2. Ngay ở trước Tam quan hiện có một tấm bia “hạ mã” (xuống ngựa) nhắc nhở mọi người qua lại nơi đây phải tỏ lòng tôn kính nơi thờ các vị thành hoàng. Qua một sân gạch là tiền tế ba gian, tiếp đó là trung từ cũng có ba gian, rộng hơn tiền tế bởi chiều rộng trung từ tới gần 8m.

Trong đền còn đầy đủ các ban thờ. Có long cung và khám thờ sơn son thếp vàng, chạm rồng chầu mặt nguyệt, hoa dây mềm mại, đặt tượng Sĩ Vương, một trong năm vị thành hoàng. Trên xà có bức cuốn thư bằng gỗ sơn son thếp vàng, mang bài châm ca ngợi công đức thành hoàng như sau:

Thừa thời bào đạo túc an biên

Ngã Việt văn minh tự thử tiên

Thiên cổ như sinh do chính khí

Bình nhân mạn thuyết Sĩ vương tiên.

(Thuận thời giữ đạo vững biên cương

Khai sáng văn minh nước Việt cường

Chính khí ngàn năm còn sáng mãi

Dân thường vẫn gọi Đức Sỹ Vương)

Do không còn chùa nên trung từ và hậu cung của đền dành để thờ phật. Tất cả có 33 pho tượng cùng khá nhiều hiện vật thờ tự. Tả vu, hữu vu của hậu cung cũng có ban thờ nhỏ thờ phật và lưu danh những người mua hậu có công đóng góp xây dựng chùa.

Trong khu vực di tích, cách đền 20m về phía đông bắc còn một nhà tổ của ngôi chùa cũ, được trùng tu năm 1993. Quanh khu vực đền còn lưu giữ được 10 tấm bia, là những tư liệu quý để tìm hiểu về quá trình vận động dân làng góp công góp của làm đền, chùa, cầu...

Theo 16 đạo sắc phong lưu giữ tại đền cũng như truyền tụng trong toàn dân, đền An Liệt là nơi thờ “Ngũ vị đại vương” (năm vị đại vương) có công với nước, quê tại xã Thanh Hải, được vua phong làm thành hoàng:

1. Đại Minh Chiêu cư sĩ Sĩ Vương (quê thôn Tiền Liệt).

2. Đoàn tướng công đại vương đại thần (tức Đoàn Thượng).

3. Đào Bạt tướng công (quê thôn Tiền vĩ).

4. Vực Lao tướng công.

5. Đặng Lật tướng công (quê thôn Tiền Vĩ).

Tư liệu về thân thế sự nghiệp của từng vị đại vương không còn đầy đủ. Ngoài công tích khái quát của Sĩ Vương ghi trong bài châm nói trên, có thể biết thêm về hai đại vương đã được sử sách nói đến, một tướng võ và một tướng văn.

Tướng võ, đó là Đoàn Thượng. Đầu thế kỷ 13, triều đình nhà Lý suy yếu, các thế lực phong kiến địa phương trỗi dậy âm mưu cát cứ. Với quyết tâm phù Lý trước sự vượt lên chấp chính của nhà Trần, Đoàn Thượng đem quân trú ở hai bên bờ sông thuộc Hồng Châu, trong một địa thế hiểm trở.

Nhà Trần đã dùng Nguyễn Nộn và tì tướng của Nguyễn Nộn là Ma Lôi dùng mưu diệt được Đoàn Thượng. Đoàn Thượng hy sinh lẫm liệt, được thờ ở nhiều nơi và đã trở thành vị thành hoàng của thôn An Liệt.

Tướng Văn là Đào Bạt, ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận (1463) chính là một tấm gương khổ học thành tài và trở thành vị thần được đời đời thờ phụng.

II. LỄ HỘI

Hằng năm, thôn An Liệt tổ chức lễ hội vào hai thời điểm:

- Lễ tế thần ba ngày vào tháng Mười (âm lịch).

- Lễ hội giỗ tổ (cúng Phật) vào chiều 21 và sáng 22 tháng Giêng (âm lịch).

Lễ hội được tổ chức với các nghi lễ sau:

Lễ Tế Thần:

Là lễ tế ngũ vị đại vương, lễ tế được chuẩn bị công phu, tiến hành trọng thể, nhằm tôn vinh những người có công với nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Cứ vào ngày mồng Một đầu tháng Mười, các vị bô lão, chức dịch ra họp tại đền. Hôm đó, những người đương cai tế đám năm ấy dâng mâm lễ gồm một con gà và chai rượu để làm lễ thần. Sau lễ, các vị họp xem ngày nào tốt nhất trong tháng để định ngày vào đám. Thường thì ba ngày tế thần diễn ra vào trung tuần tháng Mười. Đây là thời điểm cơ bản thu hoạch xong lúa mùa và chuẩn bị vào vụ đông xuân.

Theo lệ làng, trai An Liệt đều được ba lần đương cai (lần đầu là đương cai mới, lần hai đương cai lại và lần cuối là đương cai lão), sau đó được dự chia phần suốt đời. Người được đương cai phải lo chuẩn bị gạo nếp và gà, thóc nếp gặt về phơi khô quạt sạch. Khi phơi thì phơi trên trần nhà, chụp lưới để tránh chim chóc. Khi thổi xôi, gạo được vo ở nước giếng sen của thôn cho tinh khiết. Gà sống chọn con đủ cựa, đẹp mào, tốt mã, nuôi trước hàng tháng trong chuồng. Chủ nhà phải giã gạo nếp luyện thành bột đút cho gà ăn, bảo đảm chay tịnh, chóng lớn, đủ cân.

Ngày vào đám, ngoài mâm xôi trắng và gà của người đương cai, hàng giáp còn rước ra đền một con lợn đã cạo trắng (chỉ bỏ bộ lòng).

Ngoài ra còn có rất nhiều các mâm lễ vật của dân làng.

Lễ tế thần được tổ chức theo đúng nghi thức trang trọng, có đầy đủ chủ tế (hàng trên), bối tế (hàng thứ hai), đông xướng, tây xướng và hai hàng tế quan, khăn chầu áo ngự, bên bưng đài, bên bưng nậm rượu. Trình tự tế thông thường diễn ra một cách trang trọng theo 54 động tác do Phan Kế Bính soạn:

Tiếp sau phần tế là lễ của các gia đình, phe giáp, khách xa gần.

Đền mở cửa suốt ba ngày. Ngày thứ ba thì làm lễ dâng sớ tạ rồi đóng cửa đền.

1. Lễ hội giỗ tổ.

Tổ ở đây là một hoà thượng tên là Viên Quang, trụ trì ở nhiều chùa, song cuối đời lại gắn bó với ba ngôi chùa Đông Lai (thôn Thừa Liệt), Đại Khánh (thôn Tiền Vĩ) và Minh Khánh (thôn An Liệt) đều thuộc xã Thanh Hải. Năm Kỷ Mùi (1919), ngài “hoá’’ tại An Liệt. Chùa Minh Khánh nay không còn, nên đền An Liệt là nơi thờ cả thành hoàng và hoàng thượng Viên Quang nên là nơi giỗ tổ hằng năm. Việc giổ tổ được tiến hành ở cả ba thôn trong ba ngày. Thừa Liệt (từ chiều 19 đến trưa 20 tháng Giêng (âm lịch), Tiền Liệt (từ chiều 20 đến trưa 21 tháng Giêng), Tiền Liệt (từ chiều 21 đến trưa 22 tháng Giêng). Do việc tổ chức liên hoàn như thế nên việc giổ Tổ, cúng Phật thể hiện sự đồng tâm nhất trí của cả ba thôn, lại đúng dịp mừng đón xuân mới, tạo một khí thế hào hứng đầu năm cho toàn xã Thanh Hải.

Từ nhiều năm nay, ở An Liệt lại có nghề làm pháo hoa, pháo bông. Tết Nguyên Đán hàng năm tổ chức đốt pháo vào ngày 13 tháng Giêng, dân làng nô nức đón chờ. Có câu ca:“Làng Chiềng (tức An Liệt) đốt pháo mười ba, giỗ ông cũng bỏ, giỗ bà cũng đi’’. Ở thôn An Liệt còn có truyền thống múa rối nước từ ba trăm năm nay, đồng thời lại là đất chèo, ngày xuân không thiếu cái trò diễn vui xóm vui làng, có năm kéo dài hàng tháng.

Tiếp theo hai thôn Thừa Liệt và Tiền Vĩ, lễ hội đến An Liệt được tổ chức vào chiều 21 tháng Giêng và kết thúc vào trưa 22 tháng Giêng. Chỉ có một ngày hội, nhưng vắt sang hai buổi là để có một đêm hội tưng bừng, phấn khởi, đặc sắc của địa phương.

Mở đầu lễ hội là màn rước bộ vòng quanh hồ rồi tề tựu ở sân đền. Đi đầu là múa kỳ lân, tiếp theo là đội trống mặc đồng phục màu trắng, các nhân vật của Tây Du Ký gồm Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, Sa Tăng và đội tế mặc áo thụng. Kế đó là nam thanh rước một mâm bồng khá to, kết hoa quả thành các hình tượng long, ly, quy, phượng theo chủ đề nhất định, nữ tú rước kiệu nhà pháo cái, có chú Tễu đứng ở trước. Các mâm lễ vật cúng Tổ được tiếp nối đội đi sau.

Khi đã tề tựu trước cửa Đền, giờ khai mạc lễ hội được bắt đầu. Trước kia là một vị lý dịch, nay là vị đại diện Ban Tổ chức lên đọc lời khai mạc, nhắc nhở nhiệm vụ trong năm mới. Sau đó, tại nhà trung từ, tiến hành khoá lễ cúng Phật với mười đường thỉnh đã soạn sẵn (Thiên hoa đài thượng, Tam thừa, Nhập bi, Tứ quả, Vô sắc, Nhạc phủ, Địa phủ, Thuỷ phủ, Chân tục nhị đề, Cô hồn..). Còn ở sân hội trường và trên mặt hồ là các trò diễn ra vô cùng sôi nổi, hấp dẫn như trò chơi pháo. Nhà pháo cái được dựng lên đỉnh cột cao ở mé hồ, dưới chân cột là dàn pháo hoa để mọi người có thể bắn pháo hoa lên nhà pháo cái nếu trúng đích, pháo nổ sẽ được thưởng.

Trong khi đó, việc hoàn tất cây pháo bông với gần 100 quả pháo, 35 mặt nguyệt và mười dàn pháo thăng thiên gần 500 ngọn để trình diễn buổi tối được khẩn trương thực hiện.

Đội múa rối nước chuẩn bị các dụng cụ để thao tác tại nhà thuỷ đình xây ngay trên mặt hồ, trước cửa đền.

Trên sân hội trường là sân khấu chuẩn bị cho đêm diễn chèo.

Các trò chơi dân gian được triển khai đồng loạt: thổi cơm thi, móc chạch, đánh đu, tam cúc điếm...vô cùng hấp dẫn người chơi. Ngày nay có thêm các loại hình thể thao mới như cầu lông, bóng chuyền.

Nhiều năm nay lãnh đạo địa phương tổ chức lễ hội đền An Liệt, nhằm tạo một không khí tươi vui lành mạnh, mừng xuân mới, mở đầu một năm sản xuất, công tác, học tập, mong lập nhiều thành tích. Lễ hội giỗ tổ ở An Liệt ngày nay có phần tinh gọn hơn. Nhiều trò chơi dân gian ngày trước không còn được tái diễn (móc chạch, thổi cơm thi, đi cầu thùm...). Nhưng các trò mang bản sắc riêng của địa phương như đốt pháo hoa, pháo bông, chèo, múa rối nước...thì vẫn sôi động.

Dưới đây xin ghi lại đôi nét về các trò diễn và trò chơi đó.

Trò chơi “móc chạch”: Chạch là loài bò sát, sống trong bùn đất, rất khó bắt, vì nó “lẩn như chạch”. Còn “Chạch” trong trò chơi là một củ chuối nhỏ gọt tròn như quả bóng, gặp bùn nhão thì trơn, khó tóm được khi người ta tranh nhau vồ. Một cái hố sâu ngập khuỷ tay, đào hườm ra xung quanh, trong có bùn nhão. “Chạch” bỏ vào đó, bốn người thi bắt “chạch” ngồi ở bốn phía miệng hố. Khi người trọng tài hô cái số “Bắt đầu” thì người ngồi ở vị trí số nào, nhanh tay thọc xuống hố, mò khoắng cố gắng túm được chạch. Các bàn tay tranh giành rất quyết liệt, và chạch cứ liên tục bị truồi, bắn đi chỗ khác. Khi người nào vớ được nhanh nhất, cầm lên miệng hố thì người đó ăn giải. “Chạch” lại bỏ xuống cho các số khác chơi tiếp.

Trò chơi đi cầu thùm: Người ta buộc một câu tre dài, thẳng, to (có địa phương gọi là tre lồng ngộc) làm cái cầu. Hai đầu tre buộc treo lên bằng một dây chão, lên gần đỉnh hai bộ chạc tre đóng chéo và chôn sâu dưới lòng hồ. Thế là thành một cây cầu tre, song song với mặt nước, không hề có tay vịn. Mé gần bờ là chỗ bước xuống cầu tre. Mé ngoài hồ, đầu cầu tre có cắm lá cờ đuôi nheo. Người dự chơi mặc quần đùi, đầu quấn khăn, khéo léo lấy thăng bằng đi dọc cầu treo, sao cho không bị ngã. Khi lấy được cờ rồi, lại phải đi trở lại cầu treo đó. Vào tới bờ, không ngã xuống hồ, trao cờ cho trọng tài thì được giải. Rất nhiều người bị ngã, phải làm đi làm lại mà vẫn thua cuộc.

Trò diễn ở Hội An Liệt đặc sắc là diễn chèo (trên sân) và diễn múa rối nước (dưới hồ). Hai trò này có lịch sử hàng trăm năm nay, không thể nào vắng mặt trong lễ hội.

Sân khấu chèo thu hút hàng trăm khán giả trên sân. Đội chèo của địa phương thường diễn các tích quen thuộc mà năm nào cũng hấp dẫn như Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Tống Chân Cúc Hoa...

Cũng có tiết mục do địa phương tự biên tự diễn theo điển tích cổ, nhằm đề cao lòng hiếu với cha mẹ như tích Mục Liên du địa phủ. Dưới hồ, đội múa rối nước An Liệt biểu diễn các tiết mục, nội dung gắn bó với sinh hoạt của người dân gắn bó với cuộc sống sản xuất nông nghiệp, kỹ năng khéo léo. Trong phường rối, các diễn viên ngâm mình dưới nước (trong thuỷ đình) điều khiển con rối, lại có các ca sỹ nhạc công hát, các làn điệu và đối đáp phù hợp với động tác các con rối trên mặt nước. Các tiết mục như Câu ếch, Pháo thăng thiên, Rồng phun lửa, Đốt lá đề, Múa tiên, Múa lân, Múa bông, Đánh vật, Múa tứ linh...chỉ với các con rối hoạt động trên mặt nước nhưng lại như có tâm hồn, động tác khéo léo như con người thật. Người xem vây kín bốn chung quang hồ và cả ở gò đất nổi giữa hồ.

Đêm hội ở An Liệt có thi đốt pháo bông. Người ta làm một cái đèn to như cái kiệu long đình treo lơ lửng ở trên cao (cách mặt nước chừng 15 mét). Dưới đèn là con rồng ngậm mặt nguyệt, có đường dẫn lên cây pháo bông ở phía nóc đèn. Tất cả đều gài sẵn thuốc pháo và đường dẫn cũng là dây ngòi thuốc pháo, bắt lửa là chạy dọc lên trên ngay. Cái giá cài pháo thăng thiên đặt ở dưới đất, hướng về con rồng ngậm mặt nguyệt. Cái đích là người chơi phải ngắm cho chính xác, để pháo thăng thiên phóng lên, bay đúng vào mặt nguyệt. Khoảng cách thì không gần, lại có gió trong khi mặt nguyệt cứ chao đi chao lại lủng lẳng, nên pháo thăng thiên đến đích thật không dễ. Ai bắn trúng, phá được mặt nguyệt (tức là bắt lửa từ pháo bắt lên) lập tức gây cháy dây chuyền. Con rồng “leo” lên, làm cháy cây bông, đồng thời đốt cả cái đèn to như cái long đình trên cao, ai làm được như thế thì sẽ giật giải.

Qua nghiên cứu, khảo sát các mặt lịch sử, kiến trúc và nhân vật được thờ thì thấy đền An Liệt thực sự là một di tích lịch sử và lễ hội đền An Liệt là di sản văn hoá có giá trị. Việc tổ chức lễ hội hàng năm là một cách bảo tồn và phát huy giá trị đó, cần được quan tâm lãnh đạo và tạo điều kiện sống mãi với cộng đồng dân cư nơi đây.

Các giá trị nổi bật ở lễ hội đền An Liệt cần kế thừa:

- Thời điểm mở lễ hội vào trung tuần tháng mười và tháng giêng âm lịch là vừa phải, ngắn gọn, lợi dụng triệt để không gian lễ hội chung và cũng là lúc nông nhàn, không ảnh hưởng gì tới sản xuất, kinh doanh và mọi hoạt động xã hội khác.

Một số ý kiến đề xuất

1. Lễ hội Đền An Liệt xưa chứa đựng nhiều giá trị văn hoá phi vật thể. Tuy nhiên đến nay, các giá trị đó đang bị mai một và có nguy cơ mất hẳn do vậy lễ hội cần được nghiên cứu, phục dựng lại một các bài bản, kế thừa các giá trị tích cực đặc biệt là các trò chơi dân gian.

2. Trong năm vị đại vương, có một vị tiến sĩ là tiến sĩ Đào Bạt. Ngài làm quan đến chức Thượng Thư, làm vẻ vang cho quê hương, được triều đình ra sắc phong và nhân dân thờ làm thành hoàng. Có thể coi đây là một truyền thống hiếu học. Hiện nay, nhà thờ họ Đào ở Tiền Vĩ còn lưu giữ được tranh chân dung tiến sĩ Đào Bạt. Nên chăng, trong dịp tế thành hoàng nên đề cao việc khuyến học, khuyến tài, học tập tấm gương tiến sĩ Đào Bạt trong tầng lớp trẻ ở Thanh Hải.

- Về không gian tổ chức lễ hội, hiện nay đền An Liệt đảm nhiệm hai chức năng: vừa thờ thành hoàng, vừa thờ phật, ngày lễ, ngày hội rất đông người vào thắp hương, không bảo đảm lịch sự, văn minh, vệ sinh môi trường. Nếu có thể, trong tương lai, trên khuôn viên nền chùa và đình cũ khá rộng ở phía đông đền, cần nghiên cứu vận động phật tử phát tâm công đức để dựng ngôi chùa riêng, rước các tượng Phật và đồ thờ tự hiện đang toạ lạc tại nhà trung từ và hậu cung sang chùa. Còn tại đền sẽ sắp xếp lại đồ thờ cho đúng với trình tự như các đền, đình khác. Di tích đền An Liệt cũng đang xuống cấp nghiêm trọng, cửa ra vào tiền tế bị xây gạch hai gian bên lộ rõ sự chắp vá, không hợp với một nơi tôn nghiêm thờ phụng cần phải có.
 

Đền An Liệt đã được xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 2233/QĐ- BVHTT ngày 26/6/1995 của Bộ trưởng Bộ văn hoá- Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Để di tích lịch sử văn hoá này ngày càng phát huy giá trị to lớn về nhiều mặt, nhất là giáo dục truyền thống và bảo tồn các giá trị văn hoá dân gian, rất cần được tôn tạo, trùng tu ở mức độ cho phép, bằng kinh phí của Nhà nước và tiền công đức của nhân dân. Việc quản lý di tích cũng cần được nghiên cứu cho phù hợp, để ngày thường cũng như dịp lễ hội, đền luôn luôn hội tụ được mọi tấm lòng hướng về cội nguồn của nhân dân rong vùng cũng như du khách, thiện nam tín nữ bốn phương

Tour khác