Hotline: 0906032368

KHÁCH SẠN THẢO ANH

Vị trí trung tâm thành phố Hải Dương

KHÁCH SẠN THẢO ANH
Ngày nhận phòng Ngày trả phòng Loại phòng Số phòng
Hỗ Trợ Trực Tuyến
 

Lễ hội đình, đền, chùa Bảo Sài

Lễ hội đình, đền, chùa Bảo Sài

 Cụm di tích, đình, đền, chùa Bảo Sài nằm về phía đông của thôn, nay là khu dân cư số 14, thuộc phố Trương Mỹ, tên vị thành hoàng được thờ tại đình.

Lễ hội đình, đền, chùa Bảo Sài

I. KHÁI QUÁT VỀ DI TÍCH

Ngày xưa, Bảo Sài là một thôn nằm ven sông của trang Bình Lao. Đây vốn là một thôn nhỏ thuộc vùng triều bãi, nguồn sống chính là chài lưới và cấy trồng lúa. Ngày nay, Bảo Sài trở thành các khu phố thuộc phường Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Dương.

Cụm di tích, đình, đền, chùa Bảo Sài nằm về phía đông của thôn, nay là khu dân cư số 14, thuộc phố Trương Mỹ, tên vị thành hoàng được thờ tại đình. Đi dọc phố Trương Mỹ, từ đầu đến cuối phố theo hướng đông tây, cả ba di tích đều năm gọn ở phía tay trái, gần đường Lê Thanh Nghị.

1. Đình Bảo Sài. Đình quay hướng nam. Phía trước đình là một sân rộng, vuông vắn, kế đó là hồ nước, rồi tới cổng đền, có bốn trụ cột hình vuông trông rất bề thế.

Đình bố cục kiểu chữ công (I), gồm bái đường, ống muống và hậu cung.

Bái đường năm gian, hai trái. Sáu vì kèo, sáu hàng cột lim, chân tảng đá xanh vững chãi. Đây là gian giành cho việc tế lễ.

Nối trung tâm bái đường với hậu cung là bức mục dục sơn son thếp vàng cấu tạo như cuốn thư, phía trên treo bức đại tự Hộ Quốc Phúc Thần. Hai bên là hai câu đối lòng máng:

Đông Cổ linh thanh, dịch dị túc ủng thọ cung miếu

Cẩm Giàng (1) xuân sắc tứ kim minh mị mãn càn khôn

(Anh linh núi Đông Cổ muôn đời trường tồn nơi cung miếu

Sắc xuân đất Cẩm Giàng xưa nay toả sáng khắp đất trời).

Giữa bái đường và hậu cung là cửa cấm, sơn son thếp vàng. Tấm ván gió trên khung cửa vẽ lưỡng long chầu nguyệt. Giá chiêng trên cửa cấm lồng tấm ván chạm chim phượng sải cánh, mỏ ngậm dải lụa đào quấn quanh cuốn thư bay giữa không trung.

Hậu cung kiến trúc đơn giản theo kiểu bào trơn đóng bén. Chính giữa cung, một nhang án lớn thờ bài vị, có chiếc mũ và đôi hia, tượng trưng cho anh linh một võ tướng.

Trong khu vực đình, ở mé phải còn có miếu thờ Đại tướng Trương Mỹ, một vị tướng thời Hai Bà Trưng, người có công lớn trong cuộc đánh đuổi ngoại xâm buổi đầu dựng nước. Trương Mỹ là con ông Trương Nghiệp - bà Đào Thị Vĩ, từ Ái Châu đến trang Trương Mỹ lập nghiệp, chuyên chữa bệnh cứu người. Tại đây ông bà sinh hạ Trương Mỹ, thiên tư đĩnh ngộ, trí tuệ tinh anh. Lớn lên, học hành tấn tới, ham đọc sách, thích bắn cung. Đúng dịp Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Trương Mỹ đến Hát Môn Giang xin được đầu quân đánh giặc. Trưng Nữ Vương phong cho Trương Mỹ làm đô thống nguyên soái đại tướng quân. Tướng Trương Mỹ đem quân đi đánh Tô Định ở Bằng Châu, góp phần thu lại 65 thành trì, non sông về một mối. Hai Bà thưởng cho 10 cân bạc và 100 tấn lụa, Trương Mỹ lạy tạ, xin về quê an hưởng thái bình. Trương Mỹ mất ngày mồng bảy tháng tám. Vua đã phong danh hiệu Thượng Đẳng Phúc Thần, và cho trang Bình Lao là nơi chính sở, phụng thờ mãi mãi. Nay Trương Mỹ là thành hoàng được thờ ở đình Bảo Sài.

2. Đền Bảo Sài. Đền cách đình vài trăm mét về phía tây, cũng bên trục đường phố Trương Mỹ là khu vực di tích đền và chùa, có chung một cổng lớn cấu tạo vòm cuốn tam sơn, kiểu chồng diêm ba tầng, đao vân tản, mái ngói ống chữ Thọ.

Qua cổng là đền và chùa dựng nối tiếp nhau, cùng hướng về phía tây.

Đền, tên tự là Thanh Hư Động thờ công chúa Tiên Dung con gái Vua Hùng Vương thứ 18, người đã có cuộc gặp gỡ Chử Đồng Tử rồi nên duyên vợ chồng ở ven một bãi sông. Dường như có mối liên hệ giữa Chử Đồng Tử - Tiên Dung với vùng đất các thôn Bảo Sài, Bình Lâu, Tân Kim... ven sông Kẻ Sặt này. Ở đây hiện nay có hàng trăm người mang họ Chử, chỉ khác nhau ở tên đệm, như Chử Đức, Chử Hữu, Chử Ngọc, Chử Bá, Chử Tăng... Cho đến nay, dẫu đã sống trong cuộc sống đô thị nhưng bà con vẫn giữ được nếp ứng xử chân chất dân dã, thân tình như các làng chài ven sông quần tụ bên nhau. Việc tôn thờ công chúa Tiên Dung ở đền Thanh Hư Động gắn với chùa Bảo Sài, thể hiện tâm nguyện của người dân luôn luôn uống nước nhớ nguồn, có lịch sử mấy nghìn năm dựng nước. Đền kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) kiến trúc con chồng đấu sen. Gian giữa tiền đường là bức cửa võng sơn son thếp vàng, chạm thủng các tích mai- điểu, đường nét tinh tế. Phía trên là bức đại tự Bồng Lai Cung Quyết. Hai bên là câu đối lòng máng:

Phủ dục quần sinh, tức nữ trung Nghiêu Thuấn

Mẫu nghi thiên hạ, trần thế thượng thần tiên

(Vỗ về nuôi nấng chúng sinh, đúng là nữ nhân thời Nghiêu Thuấn

Người mẹ khuôn phép của thiên hạ, xứng là bậc thần tiên trên thế gian)

3. Chùa Bảo Sài. Liền kề với đền là chùa, có tên tự là Thanh Lương Động Tự. Chùa kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), mặt hướng tây, nhìn ra ao chùa. Chùa được chuyển từ trong làng ra xây dựng ở đây vào thời Nguyễn, kiến trúc kiểu con chồng đấu sen, Chùa có nhiều đại tự và câu đối mang ý nghĩa đề cao uy danh Phật tổ và nét riêng của di tích địa phương (nhắc đến các từ Bảo và Sài).

Đông thành lưu từ

Sài nghiêm linh giáng

(Tấm lòng từ thiện thấm nhuần khắp thành Đông

Sự uy nghiêm linh ứng phủ xuống Bảo Sài).

Từ Linh liễu phất sài quyền tụ

Pháp liễu liên kình bảo toà khai

(Từ thiện linh thiêng, cành liễu lau chùi sức mạnh Sài thôn

Phật pháp như mưa, đài sen mở ra nâng cao bảo tháp).

II. LỄ HỘI

1. Thời gian mở lễ hội.

Trước đây, nhân dân địa phương làm lễ vào ngày mồng Mười tháng Ba (âm lịch), cùng với ngày quốc lễ Hùng Vương.

Ngày 21-1-1992, Bộ Văn hoá- Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ra quyết định số 68/QĐ- BVHTT công nhận đình, đền, chùa Bảo Sài là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, Theo cuốn ngọc phả về tướng Trương Mỹ do Hàn lâm viện đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất triều Lê Thánh Tông (1572), được biết ngày sinh của tướng là mồng Mười tháng Hai (âm lịch). Từ đó, ngày mồng mười và ngày 11 tháng hai âm lịch được chọn là thời gian lễ hội chính.

2. Quy mô lễ hội.

Vị trí các di tích đình, đền, chùa Bảo Sài nằm trong các khu phố nội thành, khuôn viên thu hẹp, nên chương trình lễ hội hằng năm được sắp xếp tương đối chặt chẽ. Xin được lược lại chương trình lễ hội một số năm như sau:

Năm 1994: (sau khi cụm di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hoá)

Ngày thứ nhất:

- Từ 8 đến 9 giờ: Rước từ chùa sang đình.

- Từ 9 đến 10 giờ: Khai mạc lễ hội.

- Từ 10 đến 11 giờ: Khách thập phương tế.

- Từ 14 giờ đến 18 giờ: Tế nam tại đình. Lễ dâng hương tại chùa.

Ngày thứ hai:

- Từ 8 đến 9 giờ: Rước từ chùa sang đình

- Từ 9 đến 11 giờ: Làm lễ tại chùa.

- Chiều: Văn nghệ, cờ tướng, chọi gà. Tế tạ tại đình, chùa.

- 17 giờ: Bế mạc.

Năm 1995:

Ngày thứ nhất:

- Từ 9 đến 10 giờ: Khai mạc tại đình.

- Từ 10 giờ đến 11 giờ: Thắp hương lễ thánh (đình, chùa).

- Từ 14 đến 18 giờ: Lễ dâng hương. Hoạt động văn nghệ.

- Từ 19 đến 21 giờ: Văn nghệ.

Ngày thứ hai:

- Từ 9 đến 11 giờ: Làm lễ tại chùa.

- Chiều: Cờ tướng, chọi gà

Tế tại tại đình, chùa.

Năm 2009:

Ngày thứ nhất:

- Từ 7 đến 8 giờ: Văn nghệ

- Từ 8 đến 9 giờ: Họp mặt cán bộ, nhân dân để tưởng niệm ngày sinh tướng Trương Mỹ.

- Từ 9 đến 10 giờ: Dâng hương tại đình, đền, chùa.

- 10 giờ: Thụ lộc tại đình

- Từ 13 giờ đến 17 giờ: Dâng hương, tế tại đình. Biểu diễn văn nghệ, cờ tướng.

Ngày thứ hai:

- Tế, dâng hương cả ngày tại đình, miếu, cuối cùng tế tạ.

Từ khi được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia, năm nào lễ hội đình, đền, chùa Bảo Sài cũng được tổ chức trong hai ngày với nội dung và qui mô như trên. Riêng các năm chẵn (giữa thập kỷ, cuối thập kỷ) thì có tổ chức rước trọng thể, đi qua các phố Bình Minh, Trương Mỹ, Lê Chân, Lê Thanh Nghị, từ đình sang miếu rồi lại trở về đình. Ban Quản lý di tích có một đội văn nghệ, một đội tế nam, một đội tế nữ. Ngoài ra còn có một số đội tế của địa phương bạn trong thành phố cũng đến tham dự. Các trò chơi có thưởng (chọi gà, cờ tướng...) tổ chức tuỳ theo khả năng kinh phí từng năm.

Ngoài lễ chính vào mồng Mười và 11 tháng Hai (âm lịch), cụm di tích Bảo Sài còn có hai kỳ lễ nữa trong năm:

- Ngày “hoá” của tướng Trương Mỹ vào mồng 7 tháng Tám (âm lịch).

- Ngày khánh hạ, coi như dịp đón mừng tướng Trương Mỹ mang bạc và lụa do Trưng Nữ Vương ban tặng về ăn khao với dân làng, tổ chức vào ngày 20 tháng Chạp (âm lịch).

Các ngày lễ này tổ chức gọn nhẹ tại đình Bảo Sài.

Qua lễ hội đình, chùa Bảo Sài, có thể nhận thấy:

- Giá trị lễ hội cần kế thừa: Tổ chức đều đặn hằng năm, khơi dậy truyền thống hướng về cội nguồn, nhớ ơn tổ tiên đã có công phò vua đánh giặc bảo vệ đất nước, đó là tướng Trương Mỹ trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

- Cũng trong nhân dịp lễ hội, nhân dân đến thắp hương tưởng nhớ công chùa Tiên Dung, con gái vua Hùng và mối tình giữa công chúa với chàng trai họ Chử, được thờ phụng trong cụm di tích, có ý nghĩa đối với tâm linh thiêng liêng người dân ở đây.

- Nội dung lễ hội gọn nhẹ, tiến hành trong hai ngày, lấy lễ (họp mặt kỷ niệm) làm chính. Hội chỉ góp phần làm cho không khí ngày lễ thêm vui tươi phấn khởi và chỉ diễn ra tại sân đình.

Tour khác