Hotline: 0906032368

KHÁCH SẠN THẢO ANH

Vị trí trung tâm thành phố Hải Dương

KHÁCH SẠN THẢO ANH
Ngày nhận phòng Ngày trả phòng Loại phòng Số phòng
Hỗ Trợ Trực Tuyến
 

Lễ hôi đình Hàn Giang

 Lễ hôi đình Hàn GiangLà nơi thờ võ tướng Đinh Văn Tả, người có công phụng sự 6 triều vua thời Lê Trung Hưng nội trị thống nhất sơn hà, được nhân dân địa phương suy tôn là Thành Hoàng làng Hàn Giang

Lễ hôi đình Hàn Giang 

1. Khái quát về di tích và nhân vật được thờ

Đình Hàn Giang nằm ở phía bên phải phố An Ninh, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương cách ga xe lửa Hải Dương khoảng 350m. Là nơi thờ võ tướng Đinh Văn Tả, người có công phụng sự 6 triều vua thời Lê Trung Hưng nội trị thống nhất sơn hà, được nhân dân địa phương suy tôn là Thành Hoàng làng Hàn Giang. Ngoài đình Hàn Giang, khu di tích còn miếu thờ tướng công Đinh Văn Tả và khu lăng mộ hợp táng gia đình Đinh Văn Tả.

Vào thế kỷ XIX, đình Hàn Giang thuộc xã Hàn Giang, tổng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Sau cách mạng Tháng Tám 1945, đình thuộc xã Bình Hàn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Năm 1981, tiểu khu Phạm Hồng Thái và Quang Trung sát nhập thành phường Quang Trung. Hiện nay, đình Hàn Giang thuộc xóm Hàn Giang, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Theo các tài liệu hiện còn cho biết, khu di tích tưởng niệm danh tướng Đinh Văn Tả xưa kia bao gồm các công trình:

Đình Hàn Giang gồm có hai lớp nhà chính là toà Đại Bái và Hậu cung. Toà nhà Đại Bái gồm 7 gian. Hậu cung gồm 5 gian và “chuôi vồ” nơi thờ tự chính Đinh Văn Tả. Nối liền giữa hai toà nhà này là hai giải vũ chạy suốt hai bên, ở giữa là một sân nhỏ. Trước đình có đặt bia “Hạ Mã”.

Hiện tại đình Hàn Giang đã thu hẹp so với trước. Hệ thống nhà Đại Bái, giải vũ đã được tháo dỡ vào năm 1968 để lấy vật liệu xây dựng công trình phúc lợi.

Khu miếu thờ họ Đinh theo kiến trúc tiền nhất hậu đinh. Tại thượng lương ngôi nhà ghi rõ ngày 01 tháng 12 năm Nhâm Tuất (1862) đã được trùng tu. Bố cục nội thất gian giữa là nơi thờ Đinh Văn Tả được dòng họ suy tôn là ông tổ.

- Khu lăng mộ hợp táng võ tướng Đinh Văn Tả và hai phu nhân nằm sau khu miếu thờ họ Đinh. Theo phả ký họ Đinh - Hàn Giang thì khi mất, việc chôn cất ông được con cháu dòng họ Đinh tổ chức rất bí mật vì sợ người đời sau có thâm thù khai quật lên. Tương truyền sau miếu thờ họ Đinh - Hàn Giang có “khu đất cấm”.

Năm 1942 nhằm mở rộng tỉnh lỵ Hải Dương, chính quyền thực dân Pháp đã tổ chức thi công xây dựng tuyến đường đôi từ thị xã ra ga xe lửa Hải Dương (sau này Nhà nước ta đặt tên là đường Hồng Quang). Do sự ngẫu nhiên, khi phu lục lộ đào đất gần “khu đất cấm” đã phát hiện ra phần mộ chí chính thức của Đinh Văn Tả và hai phu nhân.

Sau hoà bình và những năm chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, phần mộ chí không bị hư hại gì, chỉ là khu “đất cấm” được con cháu gia tộc và nhân dân địa phương thờ phụng, cúng tế.

Năm 1990, để góp phần tôn tạo khu di tích Đinh Văn Tả nhằm bảo vệ lâu dài, gia tộc họ Đinh - Hàn Giang đã tổ chức xây dựng, tôn tạo khu lăng mộ hợp táng khang trang, đẹp mắt.

Khu lăng mộ đặt chính hướng Nam. Toàn phần mộ chí khuôn viên xây tường bao bảo vệ. Mộ chính được xây bao quanh bằng gạch có diện tích 9m2, trên mộ được trồng một số cây hoa cảnh.

Phía trước mộ là hai tấm bia nón: Một cái có niên đại năm Vĩnh Trị thứ II (1677) chất liệu bằng đá, một cái có niên đại tôn tạo năm 1990 đã được thể hiện bằng xi măng xanh.

Họ Đinh xuất hiện trên đất Hàn Giang khá sớm. Theo các tài liệu lịch sử tin cậy còn lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương thì sự xuất hiện của họ Đinh trên đất Hàn Giang với hiện tượng con cháu Đinh Điền về lánh nạn sau khi có sự kiện chống lại Lê Hoàn (năm 979).

Về thân thế và sự nghiệp của tướng công Đinh Văn Tả:

Đinh Văn Tả sinh giờ Dần ngày mùng 2 tháng 11 nhuận năm Kỷ Hợi (1599). Ông là người Hàn Giang, tổng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, lộ Thượng Hồng (nay thuộc phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Thân phụ ông là võ tướng Đinh Văn Phủ (1545 - 1600) có công đánh dẹp nhà Mạc nên được vua Lê phong tặng Hùng Quận công. Bản thân từng lập đại bản doanh tại An Tràng (Gia Viễn - Ninh Bình). Thân mẫu Đình Văn Tả là Quận phu nhân Nguyễn Thị Năng là người nổi tiếng nhân hậu, được dân gian xưa tôn là bậc Hiển mẫu. Đinh Văn Tả sinh ra tại quân doanh An Tràng, chưa đầy một tuổi thì chịu tang cha. Sau đó được mẹ đưa về quê hương Hàn Giang nuôi dưỡng.

Cuộc đời của tướng công Đinh Văn Tả gắn liền với các chiến công quân sự đánh dẹp các cát cứ của nhà Nguyễn ở đàng trong và nhà Mạc ở đàng ngoài, sự phản loạn của một số quần thần trong triều đình vua Lê, chúa Trịnh. Với 74 lần ra trận, tên tuổi của ông được ghi trong sử sách và lưu danh trong dân gian.

Với công lao to lớn, vua Lê Hy Tông đã cấp cho lão tướng Đinh Văn Tả 300 mẫu ruộng. Hoàng Thượng lại cho phép lập đền thờ ở Hàn Giang khi ông còn sống.

Ngày mùng 4 tháng 5 năm Ất Sửu (1685) niên hiệu Chính Hoà thứ 6, lão tướng Đinh Văn Tả mất tại Kinh Đô, hưởng thọ 87 tuổi.

Bài vị của ông được rước vào “Liệt tiên Hoàng Đế miếu” trong Hoàng cung, thờ ngang với các vị Đại công thần. Vua ban thêm 100 mẫu ruộng thờ cúng lâu dài và sắc cho quan địa phương hàng năm vào đầu mùa xuân tới nhà thờ tế lễ và phối hương ở đền.

Ngày 29 tháng 01 năm 1993, Bộ Văn hoá- Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã cấp Bằng công nhận Khu di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia đình, lăng, miếu Đinh Văn Tả.

2. Lễ hội đình Hàn Giang

Sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân xóm Hàn Giang trước Cách mạng tháng Tám 1945 thường diễn ra chủ yếu ở đình. Các ngày lễ tiết chính hàng năm là:

Ngày rằm, mùng một hàng tháng cúng hương hoa, oản, quả.

Ngày mùng 4 tháng 5 (âm lịch) hàng năm tổ chức lễ dâng hương tại đình Hàn Giang và miếu để kỷ niệm ngày mất của danh tướng Đinh Văn Tả.

Ngày mùng 8 tháng 3 (âm lịch) hàng năm tổ chức lễ kỳ phước tưởng nhớ tiên tổ họ Đinh, nhân dịp hội đền vua Đinh - Lê ở Gia Viễn (tức Hoa Lư - Ninh Bình). Vào ngày lễ, con cháu xa gần của dòng họ Đinh kéo về dâng hương rất đông đảo. Trước đây, lễ hội đình Hàn Giang còn liên quan tới hai chi tỉnh khác là Đông Từ và Tây Từ. Hai di tích này là nơi thờ các danh tướng ở Hàn Giang. Nhân dân địa phương tổ chức rước bài vị của các vị võ tướng Hàn Giang từ đình chính đưa về các miếu thờ. Hình thức tổ chức lễ rước trang trọng. Thành phần tổ chức lễ rước gồm các chức sắc trong làng và các cụ cao tuổi.

Theo ông Đinh Khắc Hùng, 62 tuổi, phó Ban quản lý khu di tích đình, lăng, miếu Đinh Văn Tả thì từ năm 1954 lại đây lễ rước chỉ diễn ra ở khu vực thuộc hai phường Bình Hàn và Quang Trung, không rước qua Đông Từ và Tây Từ. Lý do chính khả năng là do di tích Đông Từ, Tây Từ không còn nguyên vẹn và phạm vi lễ rước theo quy định của chính quyền.

Lễ rước được tổ chức 5 năm một lần. Riêng năm 2007, khi khánh thành nhà Đại bái, làng tổ chức lễ rước. Đoàn rước khoảng trên 200 người. Đi đầu là 8 thanh niên trai tráng khênh kiệu bát cống. Trên kiệu có mũ, áo của Đại vương Đinh Văn Tả. 8 người cầm dải lụa màu đi hai bên kiệu và một số người thuộc lực lượng dự bị khênh kiệu, tiếp theo là đội bát âm, đội tế nam, nữ. Chủ tế nam đội mũ tế, mặc áo thụng đỏ, quần trắng, các thành viên trong đội tế đội mũ, mặc áo thụng xanh, quần trắng. Chủ tế nữ vấn khăn, mặc áo thụng đỏ, các thành viên trong đội tế vấn khăn, mặc áo lễ màu vàng, quần trắng. Mỗi đội tế khoảng từ 8 đến 10 người. Bà con trong xóm Hàn Giang và các chi họ Đinh ở Cự Đà (Hà Tây cũ), Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội), Khoái Khê (Gia Bình - Bắc Ninh), các thành phố Hải Phòng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Cao Bằng... mang theo lễ vật đi sau cùng.

Mấy năm gần đây, đường rước xuất phát từ phố An Ninh (đoạn rẽ vào cổng đình), vào ngõ Tiền Phong ra đường Hồng Quang, đến ngõ 6 dừng lại vào thắp hương khu lăng Đại vương Đinh Văn Tả rồi vòng vào đường An Ninh về đình Hàn Giang.

Lễ hội đình Hàn Giang diễn ra trong 3 ngày là mùng 7, mùng 8 và mùng 9 tháng 3 (âm lịch).

Mùng 7 tháng 3, lễ tế yết (khai mạc).

Mùng 8 tháng 3, lễ dâng hương, lễ rước.

Mùng 9 tháng 3, lễ cúng lục đạo (cúng chúng sinh các nơi).

Do không gian di tích bị thu hẹp nên lễ hội không tổ chức được phần hội như lễ hội xưa.

 

Tour khác